Thực tiễn xét xử án hình sự, chỉ những chứng cứ về các tình tiết giảm nhẹ có xác nhận đầy đủ thì tòa mới chấp nhận, còn các chứng cứ liên quan đến việc định tội, định khung hình phạt mà luật sư đưa ra thường bị tòa xem nhẹ, vì sao?

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác yêu cầu hủy án để điều tra xác định lại độ tuổi của một bị cáo trong vụ án giết người. Theo tòa, yêu cầu hủy án của luật sư là “không có căn cứ”.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Bỏ công bỏ sức thành công cốc

Sau phiên xử, vị luật sư lắc đầu thở dài cho công sức bỏ ra thu thập chứng cứ không được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, đầy đủ. Ông kể khi bắt đầu tham gia vụ án, ông đã nhiều lần bỏ công về quê của bị cáo tìm hiểu và được biết đây là trường hợp khai sinh muộn sau hai năm. Ông đã thu thập nhiều giấy tờ pháp lý liên quan cùng lời khai của nhiều nhân chứng để chứng minh về khả năng bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, tòa đã bác yêu cầu của ông mà lại không phân tích vì sao không chấp nhận chứng cứ ông đưa ra để chứng minh cho yêu cầu trên.

Vụ khác, tại phiên xử một nghi án giết người ở TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) hồi đầu năm 2011, luật sư của phía nạn nhân đã đưa ra nhiều tài liệu mà ông thu thập được chứng minh rằng bị cáo sử dụng bằng lái xe máy giả để nộp cho công an sau khi xảy ra án mạng. Từ đó, luật sư đề nghị tòa khởi tố bị cáo thêm hành vi mua, sử dụng giấy phép lái xe giả. Trong phần thẩm vấn, bị cáo cũng thừa nhận rằng bằng lái đã nộp cho cơ quan điều tra là giả mạo. Tuy nhiên, khi tuyên án, tòa lại không chấp nhận đề nghị của vị luật sư vì “không có cơ sở xem xét”.

Thiếu cơ chế đảm bảo

“Không có căn cứ”, “không có cơ sở xem xét” là kết luận quen thuộc của các tòa mỗi khi bác yêu cầu của luật sư hay người tham gia tố tụng. Vấn đề là tại sao lại như vậy, vì sao không chấp nhận chứng cứ luật sư trình bày… thì rất ít tòa nào chỉ ra được để các luật sư tâm phục, khẩu phục.

Nhiều luật sư chua chát: Thực tiễn xét xử án hình sự hiện nay, chỉ có những chứng cứ về các tình tiết giảm nhẹ có xác nhận đầy đủ thì tòa mới chấp nhận. Còn các chứng cứ liên quan đến việc định tội, định khung hình phạt mà luật sư đưa ra thì các tòa thường xem nhẹ.

Có thực trạng này bởi Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép luật sư được quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật để chứng minh yêu cầu (Điều 58) nhưng lại chưa có cơ chế bảo đảm các quyền đó, chưa có quy định cơ quan tố tụng phải bắt buộc xem xét, đánh giá, kết luận có chấp nhận hay không.

Mặt khác, luật quy định đồ vật, tài liệu chỉ được xem là chứng cứ khi được cơ quan tố tụng thu thập theo trình tự, thủ tục luật định (Điều 64, Điều 65). Với quy định này, vô hình trung tài liệu, đồ vật mà luật sư trình ra tại phiên tòa, một khi chưa được tòa chấp nhận thì chưa phải là chứng cứ, chưa có giá trị pháp lý. Tức là tòa không bị ràng buộc bởi quy định phải đánh giá chứng cứ (Điều 66) nên chuyện bị tòa xem nhẹ, làm lơ, không đề cập trong bản án… cũng là điều dễ hiểu.

Cần có luật riêng về chứng cứ

Luật sư Nguyễn Thế Hữu Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét hiện nay việc xử án chỉ dựa trên hồ sơ do cơ quan điều tra, VKS xây dựng. Các thẩm phán thường có tâm lý nghi ngờ những chứng cứ luật sư cung cấp. Như vậy, rõ ràng quyền thu thập chứng cứ để cân bằng giữa buộc tội và gỡ tội chưa được đảm bảo. Luật cần làm rõ những vấn đề như luật sư đưa chứng cứ tự thu thập được vào hồ sơ như thế nào, cả việc chế tài nếu không cung cấp chứng cứ cho luật sư…

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), luật quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, còn luật sư và bị cáo có quyền thu thập tài liệu nhưng không buộc phải chứng minh. Vì vậy, đúng là thực tế việc sử dụng chứng cứ của luật sư thu thập trong quá trình giải quyết án chưa được đề cao.

Cá nhân Thẩm phán Hùng đánh giá cao việc các luật sư thu thập, cung cấp chứng cứ để giúp HĐXX có thể đánh giá vụ án một cách toàn diện, khách quan. Về lâu dài, ông đề nghị cần tiếp tục mở rộng những quy định về chứng cứ thành một luật riêng, thay vì chỉ là một chương trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay. Luật về chứng cứ này phải được quy định một cách cụ thể, chặt chẽ về trình tự, thủ tục chứng cứ, chứng cứ thế nào là có giá trị… để cơ quan tố tụng và luật sư, người tham gia tố tụng vận dụng. Lúc đó mọi chứng cứ buộc tội hay gỡ tội nếu được thu thập đúng luật đều có giá trị pháp lý, đều được đánh giá công bằng.

Thu thập chứng cứ gỡ tội: Gian nan!

Một lãnh đạo TAND Tối cao từng nhận định là nhiều năm trong nghề xét xử, ông thấy phần lớn luật sư vẫn sử dụng hồ sơ buộc tội của cơ quan điều tra, VKS để bào chữa cho bị cáo. Trong khi đó, muốn gỡ tội cho thân chủ, luật sư cần phải tự thu thập được các chứng cứ riêng thì mới đạt hiệu quả cao.

Với giới luật sư, không phải họ không muốn làm như vậy. Nhưng khổ một nỗi là việc thu thập chứng cứ riêng với họ là rất gian nan. Trong khi cơ quan tố tụng chỉ cần gửi công văn yêu cầu là được cá nhân, tổ chức liên quan đáp ứng thì với luật sư, khi gặp sự bất hợp tác là họ bó tay bởi không hề có quy định chế tài trường hợp từ chối cung cấp chứng cứ cho luật sư.

Ngoài ra, luật không cho phép luật sư được quyền gặp riêng thân chủ (bị tạm giam) để thu thập thông tin gỡ tội. Luật sư muốn tham gia vào giai đoạn nào của quá trình tố tụng phải được các cơ quan tố tụng cho phép. Khi tham gia các buổi thẩm vấn, lấy lời khai ở giai đoạn điều tra, luật sư luôn bị động, không được phép hỏi riêng thân chủ, luôn bị điều tra viên giám sát rất chặt…

Luật sư phải chủ động hơn

Chức năng của luật sư là bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo nhưng cao hơn cả là góp phần bảo vệ công lý. Hiện nay, nhiều luật sư ra đến phiên tòa mới bắt đầu đưa chứng cứ do mình thu thập rồi yêu cầu tòa hủy án hay trả hồ sơ… Tại sao ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, các luật sư không chủ động phối hợp cung cấp chứng cứ ngay cho cơ quan tố tụng? Điều này vừa giúp việc giải quyết án nhanh chóng hơn, vừa góp phần làm cho sự thật vụ án được sáng tỏ.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Quy định chặt về đánh giá chứng cứ

Luật sư thường sẽ phát hiện ra những tài liệu, đồ vật gỡ tội ở “góc khuất” nào đó trong vụ án mà các cơ quan tố tụng vô tình bỏ lọt. Nhưng vấn đề ở chỗ tài liệu, đồ vật của luật sư có được sử dụng hay không lại phụ thuộc vào các cơ quan tố tụng, dẫn đến chuyện có khi tòa tuyên bố không chấp nhận chứng cứ của luật sư mà không cần phải lý giải. Vì thế, để tránh việc “tùy ý” của các cơ quan tố tụng như hiện nay thì rất cần quy định chặt chẽ hơn về việc đánh giá chứng cứ.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Hoàng Yến

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————-

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp ;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp ;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội ;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp ;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại ;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *