Thưa Luật sư:

Tôi là Phan Ngọc Vinh ở Việt Trì Phú Thọ. Vợ chồng tôi ly hôn tháng 9 năm 2014. Có thoả thuận là cho mẹ nuôi con và tôi trợ cấp 1 triệu/1 tháng ! Trước đó con ở với tôi và ông bà. Gia đình bên ngoại cũng cách nhà tôi 5 km khác phường, nhà tôi phường Gia Cẩm còn cô ấy ở phường Tiên Cát.Từ ngày cháu 2 tuổi cô mang con đi, gia đình tôi đã nhiều lần đi tìm và gia đình bên ngoại giấu cháu không cho tôi gặp và biết cháu ở với cụ nội 85 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình! Mẹ cháu để cháu ở căn nhà cấp 4 lụp xụp và ở đó có bà ngoại cháu xuống chăm cháu, còn vợ tôi đi làm ở Hà Nội. Cuối tuần, cuối tháng về thăm cháu! Nhiều lần gia đình tôi xuống thăm cháu nhưng nhà người ta luôn gây khó dễ ! Lúc thì lấy cớ vắng nhà lúc thì đi chơi và lần gần đây nhất nhà tôi có xuống đón cháu về chơi thì bà ngoại cháu không đồng ý. Tôi có bế cháu về thì bà ngoại ra cổng hô cướp. Nhiều người dân có chạy ra xem và quanh nhà có nhiều họ hàng của bên gia đình nhà cô ta ngăn cản không cho nhà tôi đưa cháu về ! Họ chặn cửa và đứng ngoài ngõ không cho gia đình tôi đi ! Đã vài lần bà ngoại ngăn cản tôi nhưng tôi chưa phản ứng và không muốn làm to chuyện nên tôi lần nào cũng nhịn để con tôi lại. Đỉnh điểm là gần đây tôi đến đón thì bà hô cướp và còn cắn vào tay tôi chảy máu !

Tôi xót con và cũng rất nhớ cháu lần nào xuống cháu cũng chỉ tay về nhà nội và nói con nhớ bố ! Muốn bố dẫn đi chơi như ngày ở nhà ( cháu mới 2 tuổi 5 tháng . Cháu sinh tháng 11 năm 2013 đến tháng 11 năm 2015 là tròn 3 tuổi ). Nhìn cháu ở căn nhà tồi tàn và mùa mưa bão đến tôi rất lo cho tính mạng cháu nhỡ mùa bão đến có chuyện gì rất nguy hiểm ! Tôi phải làm thế nào để đón cháu về và xin lại quyền nuôi con! Chứ cứ để tình trạng mẹ cháu bỏ cháu cho bà ngoại và căng thẳng như vậy chỉ khổ cho con !

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Người gửi : P. N. V

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân gia đình  của Nptlawyer.com ;.

 

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gọi:  

Trả lời :

Chào anh, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của anh chúng tôi xin trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Nội dung phân tích:

Do điều kiện kinh tế gia đình bên ngoại của cháu bé thiếu thốn, anh muốn đảm bảo quyền lợi của con nên muốn thay đổi người chăm sóc con sau khi đã ly hôn. Để thực hiện được điều này thì đầu tiên anh nên thỏa thuận với chị ấy về nguyện vọng thay đổi quyền nuôi con. Nếu anh và chị ấy có thể thỏa thuận được với nhau thì anh có thể yêu cầu tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì anh vẫn có thể yêu cầu tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 :

"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ."

Trong đơn anh nên trình bày rõ tình trạng kinh tế của gia đình bên ngoại của cháu bé đang gặp phải để chứng minh rõ họ không đủ điều kiện để thực hiện quyền chăm nuôi.

Ngoài ra như anh trình bày ở trên thì vợ cũ của anh và gia đình chị ấy đang xâm phạm đến quyền được thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của anh. Việc anh thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cháu bé hoàn toàn là quyền lợi chính đáng được Luật hôn nhân và gia đình 2014 bảo vệ, theo điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về "Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn" được quy định:

"1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của anh. Cảm ơn anh đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – Nptlawyer.com ;

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *