Kính chào Luật sư, Em có một số thắc mắc về vấn đề hôn nhân gia đình như sau : Anh trai em hiện 36 tuổi, cuối năm 2013 anh trai em kết hôn với một người phụ nữ và đã có một bé gái gần 2tuổi(tính đến thời điểm hiện giờ) Khi kết hôn thì anh trai cùng vợ dọn ra ở riêng, vài tháng sau thì về nhà ba mẹ em ở cùng,lý do là làm ăn thất bại, nợ nần.

Mọi thứ hai người có được phải bán đi để trang trải nợ nần Dọn về nhà ba mẹ em ở thì đời sống vợ chồng cũng không hạnh phúc, thường xuyên cãi cọ, mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau trong nhà trước sự chứng kiến của ba mẹ em… Sau đó chị dâu em bỏ đi cùng với bé gái vài tháng tuổi(con chung giữa hai người) Từ khi chị bỏ đi, cộng thêm với áp lực cơm áo gạo tiền, nợ nần chồng chất, anh trai em đã phát bệnh tâm thần(tâm thần liệt thể không biệt định, theo chuẩn đoán của bác sĩ tại bệnh viện tâm thần, toạ lạc trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5, TpHCM) nhập viện và điều trị nội trú gần hai tháng thì anh trai em được bệnh viện cho điều trị ngoại trú đến bây giờ, mỗi tháng phải đi tái khám một lần Khoảng thời gian này, anh trai em bệnh nhưng chị dâu không hề có mặt để quan tâm chăm sóc . Em mong mỏi nhờ luật sư tư vấn trường hợp có thật này như sau : 1. Em, ba mẹ, hay anh chị em có quyền làm đơn lên toà án để xin ly hôn cho anh trai em hay không?? Khi ly hôn cần có những giấy tờ, thủ tục gì đối với người bệnh tâm thần(mất năng lực hành vi dân sự, không kiểm soát được hành động của bản thân) ??? Ly hôn, tài sản sẽ được phân chia như thế nào(tài sản chung mà anh chị em có được thì đã trang trải nợ nần hết, hiện anh trai em đang sống chung nhà với ba mẹ và em) 2. Do anh chị có con chung, nên việc nuôi dưỡng con sẽ do ai đảm trách, Anh trai em có phải chu cấp cho con đến khi con đủ 18tuổi hay không( anh trai bệnh tâm thần, không thể lao động tạo ra tài sản) 3. Chị dâu có được quyền lợi và nghĩa vụ gì khi ly hôn hay không?? Mức phí xin ly hôn là bao nhiêu?? Thời gian có hiệu lực ly hôn là bao lâu Khi nào toà sẽ thụ lý xin ly hôn???? Rất khẩn thiết phản hồi từ Luật sư!! 

Trân trọng cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ  chuyên mục hỏi đáp pháp luật hôn nhân   của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài: 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội

Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội

Bộ luật tố tụng dân sự 2004  sửa đổi, bổ sung 2011

Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự

Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1, 2 điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ."

Một người được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi thuộc quy định tại Điều 22 BLDS 2005 như sau:

"1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định."

Như vậy, trong trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự là nạn nhân của bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho họ.

Trường hợp họ chỉ mất năng lực hành vi dân sự mà không phải nạn nhân của bạo lực gia đình thì việc ly hôn được giải quyết theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 BLTTDS quy định người mất năng lực hành vi dân sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng: "Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng."

Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định về quyền khởi kiện đối với người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

"3. Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ."

Người đại diện theo pháp luật của người bị mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ theo quy định tại Điều 141 BLDS:

"Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;"

Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự có thể thông qua người giám hộ của mình để thực hiện việc ly hôn. Để xác định được quyền khởi kiện trong trường hợp này thì việc đầu tiên là phải yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

Khoản 2 Điều 35 BLTTDS sửa đổi, bổ sung 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đang cư trú: "a) Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; "

Về thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự:

* Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự:

Hồ sơ gồm:

– Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự 

-Kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần 

– Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của người yêu cầu

-Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

* Chuẩn bị và xét đơn yêu cầu

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, hết thời hạn này Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Theo đề nghị của đương sự, Toà án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

Sau khi đã có quyết định tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần xác lập người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 63 BLDS: "Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ."

Điều 62 BLDS quy định:

"Điều 62. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ."

Vậy, nếu tuyên anh trai bạn là người mất năng lực hành vi dân sự thì chị dâu bạn sẽ là người giám hộ được nhiên của anh trai bạn. Nên vấn đề ở đây là bạn phải chứng minh được chị dâu bạn không đủ điều kiện để giám hộ cho anh trai bạn căn cứ vào các quy định tại Điều 60 BLDS:

"Điều 60. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ."

Bạn cần chuẩn bị những tài liệu hoặc chứng cứ chứng minh chị dâu bạn không đủ điều kiện để thực hiện việc giám hộ cho anh trai bạn, sau đó thực hiện thủ tục cứ người giám hộ cho anh trai bạn theo quy định tại Điều 63, 64 BLDS:

"Điều 64. Thủ tục cử người giám hộ

1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ."

Về thủ tục ly hôn:

Người giám hộ thực hiện thủ tục ly hôn thay cho người được giám hộ theo quy định của pháp luật. Bạn tham khảo ở bài viết: 

Tư vấn về thủ tục thuận tình ly hôn ?   

Quy trình, thủ tục ly hôn đơn phương ?

Về việc chia tài sản:

Điều 33 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Nguyên tắc chia tài sản sau khi ly hôn được quy định tại điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:

"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì tài sản của vợ chồng anh chị bạn đã được sử dụng để trang trải nợ nần hết và hiện giờ anh bạn sống cùng ba mẹ bạn và bạn nên nếu như vợ chồng anh trai bạn còn tài sản nào khác trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản đó sẽ được chia.

Về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Theo quy định trên, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Vì vậy, con của anh trai bạn mới được gần 2 tuổi mà anh trai bạn lại mắc bệnh tâm thần nên chị dâu bạn sẽ đương nhiên là người có quyền nuôi con trong trường hợp này.

Theo quy định tại khoản 1 điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.” và “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.

Nhưng vì cha trong trường hợp này đã mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng cấp dưỡng thì tòa án sẽ xem xét về thỏa thuận, hoàn cảnh của chị dâu bạn và phía gia đình bạn về việc có cấp dưỡng hay không.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng  cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email npttrinhlaw@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng!

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *