Chào luật sư! Mong luật sư giải đáp giúp trường hợp của Dì tôi như thế này ạ: Dì và chú tôi có 3 người con lần lượt sinh năm 1987 (nữ) 1992(nam) 1999(nam) Trước đây gia đình dì có 1 ngôi nhà cấp 4 nhưng do chú chơi bài thua nên phải bán nhà cho một người hàng xóm để trả nợ.

Tính chú nóng nảy, thường xuyên đánh dì tôi, nhiều lần chú đánh dì phải chạy sang nhà tôi trốn, nhà tôi khóa cổng thì chú đứng ngoài chửi với vào (nguyên nhân là vì chú đang tụ tập đánh bài ở nhà thì công an xã vào bắt quả tang và làm biên bản; chú tôi chửi dì là không chịu ở ngoài canh cổng, dì cãi lại nên bị ăn đòn). Ở nhà túc tắc buôn bán hoa quả vừa được ít tiền lại hay bị chú đánh nên năm 2007 Dì tôi làm thủ tục sang đảo Sip làm giúp việc. Khi đi hầu hết chi phí đều do họ hàng bên ngoại cắm sổ đỏ vay mượn cho, vì họ hàng bên nội không muốn cho dì đi nên không chịu chạy tiền. Đi được khoảng 3-4 năm thì dì tôi về Việt Nam chơi, trong khoảng thời gian này chú tôi yêu cầu Dì phải đưa tiền cho chú mua đất, nếu không chú gọi người đánh và không cho đi đảo Sip tiếp nữa. Dì tôi dù không muốn nhưng vẫn phải đưa tiền mua 1 miếng đất trong làng, mảnh đất đứng tên cả 2 người. Sau đó Dì tôi đi tiếp và liên tục phải gửi tiền về để chú ở nhà xây nhà trên mảnh đất ấy. Nhà ấy chú ở cùng 2 con trai và làm dịch vụ nhà nghỉ. Con gái lớn của Dì sinh năm 1987 (Huyền), lấy chồng vào Thanh Hóa (Quê tôi ở Bắc Ninh). Sau khi Dì tôi về chơi và lại đi thì Huyền và chồng, con về quê ngoại ở. Huyền không ở nhà của bố mẹ mà ở tại nhà của Bác (anh trai bố), căn nhà cấp 4 ấy bỏ không vì gia đình Bác Huyền sống ở Lạng Sơn chứ không ở đó. Nhiều lần Huyền ra nhà Bố thì bắt gặp bố và tình nhân cặp kè tình tứ, chướng mắt nên lần nào Huyền cũng nói bố và còn bảo sẽ nói với mẹ nữa. Bố Huyền chửi bới và đuổi, không cho Huyền và chồng con ở nhà Bác nữa (tại nhà Bác thì Huyền đã đầu tư gần 50triệu để xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà lợn). Hàng xóm thương tình nên cho gia đình nhỏ của Huyền ở nhờ tại chính ngôi nhà cấp 4 cũ mà trước đây đã bán để trả nợ bố Huyền đánh bài. Dù đã phải ở nhờ nhà hàng xóm rồi nhưng bố Huyền vẫn nhiều lần sang chửi và đuổi gia đình Huyền đi, cuối cùng thì gia đình ấy cũng phải dắt nhau vào miền Nam, mua nhà đất và sống trong Nam. (Hồi có bầu con trai, Huyền bị sốt xuất huyết phải dùng thuốc, bác sĩ khuyên bỏ con nhưng vì thương con nên Huyền giữ lại nuôi, thằng bé sinh ra bàn tay phải chỉ có 2 ngón, cả cánh tay bé hơn tay trái. Dù vậy cháu bé vẫn rất nhanh nhẹn và thông minh. Những tưởng về quê ngoại sẽ được ông ngoại yêu thương bù đắp nhưng thực tế thì lại là tất cả mọi người yêu thương chỉ trừ ông ngoại). Người con thứ 2 sinh năm 1992, học chưa hết THPT thì nghỉ, đi làm công nhân vất vưởng nay chỗ này mai chỗ khác. Trước đây cũng từng có quan hệ yêu đương với 1 cô gái, muốn đi tới hôn nhân nhưng gia đình cô gái dù ở huyện khác, cách xa hơn 10km vẫn biết tiếng của chú tôi nên không đồng ý gả con gái. Họ nói không thể gả con gái cho một gia đình có người bố như thế được, và cương quyết sẽ từ mặt con gái nếu cô ấy tiếp tục qua lại. Sau một thời gian dài 2 bạn trẻ thuyết phục được gia đình cô gái thì chú tôi lại là người không đồng ý cho cuộc hôn nhân này. Trở mặt như trở bàn tay là 1 trong nhiều cái danh của chú tôi mà nhiều người biết đến. Người con thứ 3 sinh năm 1999, trước đây rất thông minh nhanh nhẹn, hoạt bát dễ gần, nhưng sau này trở nên khép mình, lầm lũi. Không biết có phải do bị chú tôi đánh đập nhiều mà trở nên như vậy hay không, nhưng chuyện chú trói và treo ngược em ấy lên cây đa đầu làng rồi đánh thì cả làng tôi đều biết. Dì tôi vẫn thường xuyên gửi tiền về để chú nuôi các em, chú bảo chú đi buôn chè Thái Nguyên cần vốn dì cũng gửi thêm, cần tiền để thuê đất (10năm) rồi xây dựng để mở quán kinh doanh cà phê (thực chất là ổ mại dâm cả làng đều biết) dì cũng gửi, rồi cần tiền để xây 1 ngôi nhà trên mảnh đất nhà Bác mà trước đây Huyền ở nhờ, để làm chỗ thờ cúng cho ông bà nội Huyền sau này, dì tôi cũng gửi, mua xe máy 4-5chục triệu cũng gửi. Chú ở nhà dẫn hết cô này đến cô khác về sống chung. Bây giờ cả 2 người con trai đều đã nghỉ học, lang thang vất vưởng nay đây mai đó, học sửa ô tô, học làm đầu tóc…vẫn chưa có công việc ổn định. Dì tôi vẫn thường xuyên gửi tiền về cho các em trang trải cuộc sống. Chú tôi gọi điện yêu cầu Dì về để làm thủ tục ly hôn. Dì tôi không muốn về, vì nếu về thì cũng không được yên thân với chú. Dì tôi rất thắc mắc nếu như bây giờ Dì tôi không về thì thủ tục có bất lợi cho Dì không, tài sản sẽ chia như thế nào? Giá trị nhất thì cũng chỉ là cái nhà đang làm nhà nghỉ bây giờ. Trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì là 2 người đứng tên, trong suốt quá trình xây dựng Dì tôi vừa làm vừa vay mượn tiền ở bên ấy để gửi về để chú ở nhà xây. Tuy nhiên bây giờ chú lại nói nhà là 1 tay chú làm, là của 1 mình chú. Vậy giờ ly hôn chia tài sản thì sẽ chia như thế nào. Cả 2 em trai cũng không phải là còn bé bỏng gì nữa, nhưng cũng vẫn chưa có việc ổn định, nếu được lựa chọn chắc chắn cả 2 sẽ không chọn ở với bố. Các em có được hưởng tài sản gì khi bố mẹ ly hôn không? Dì tôi chỉ mong các em ấy được thừa hưởng thật nhiều, dù Dì ấy không được chia cho thứ gì cũng chấp nhận. Rất mong luật sư giải đáp giúp tôi. Rất cảm ơn luật sư đã dành thời gian đọc hết thư này.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân và gia đinh   của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình gọi: 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội

Bộ Luật Tố tụng dân sự số 65/2011/QH12 sửa đổi của Quốc hội

Nội dung tư vấn:

Trường hợp của chú bạn là ly hôn đơn phương. Theo điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ củavợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."

Khi chú bạn chứng minh mâu thuẫn trầm trọng giữa hai vợ chồng, chứng minh rằng cuộc sống gia đình không còn hạnh phúc… theo quy định trên thì Tòa án dựa vào đó làm căn cứ giải quyết cho ly hôn.

Nếu chú bạn làm thủ tục ly hôn mà dì bạn không có mặt ở địa phương, đang ở nước ngoài mà không đến thì tòa sẽ xét xử vắng mặt.

Theo điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

"Điều 199. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng Xét Xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt.

Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì Xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành Xét Xử vắng mặt họ;

c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị Xét Xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành Xét Xử vắng mặt họ."

Căn cứ vào quy định trên, trường hợp dì bạn vắng mặt khi tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất thì tòa sẽ hoãn phiên xét xử. Thời gian hoãn phiên tòa không quá 30 ngày làm việc. Nếu tòa triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa sẽ tuyên bố xử vắng mặt.

Hoặc dì bạn có thể làm đơn xin xét xử vắng mặt. Theo điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự:

"Tòa án vẫn tiến hành Xét Xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án Xét Xử vắng mặt;

2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;"

Mặc dù dì bạn có thể không tham gia phiên tòa nhưng việc ly hôn là của dì bạn, khi ly hôn sẽ chấm dứt quan hệ hôn nhân, giải quyết các vấn đề về tài sản, con cái của hai vợ chồng cho nên tốt nhất dì bạn nên về nước để thực hiện thủ tục ly hôn, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Vấn đề về tài sản khi ly hôn sẽ được giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:

"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng được quy định tại điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:

"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

Như vậy, những tài sản nào được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, kể cả hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì là tài sản chung. Đối với tài sản là nhà nghỉ đã đứng tên hai vợ chồng thì là tài sản chung của hai vợ chồng, dì bạn đã có công sức đóng góp số tiền vào để xây dựng nhà nghỉ đó, còn chú bạn thì xây dựng cho nên tài sản đó không phải là của một mình chú bạn. Theo điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được phân chia do thỏa thuận của vợ chồng, nếu không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì tòa án sẽ chia theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xét đến yếu tố hoàn cảnh, công sức đóng góp… của mỗi bên.

Về việc chia tài sản cho con:

Khi ly hôn thì quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Bên cạnh đó, ly hôn còn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ và con sau ly hôn cũng như quyền tài sản của hai vợ chồng. Pháp Luật Hôn nhân và gia đình không quy định cha mẹ khi ly hôn phải chia tài sản cho con cái. Việc chia tài sản hay không chia tài sản cho con hoàn toàn thuộc quyền quyết định của cha, mẹ. Vì vậy, để chia tài sản cho con thì cha, mẹ có thể thỏa thuận về việc chia tài sản cho con.

Về quyền nuôi con:

Theo điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014:

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Theo quy định trên thì cha mẹ chỉ có nghĩa vụ quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 

– Con sinh năm 1999 chưa thành niên và trên 7 tuổi nên việc sống với bố hay mẹ do thỏa thuận của cha mẹ và phải xét đến nguyện vọng của con.

– Vì con sinh năm 1992 đã thành niên nên nếu không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì thì việc ở với bố hay mẹ giống trường hợp trên. Nếu người con sinh năm 1992 hoàn toàn bình thường thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng hay không do cha hoặc mẹ quyết định.

Theo điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên.

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

"Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Tham khảo thêm bài viết:

Phân chia tài sản chung khi ly hôn

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *