Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, trong đó đã bổ sung nhiều những quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, Luật hôn nhân và gia đình 2014 có nhiều điểm mới hơn Luật cũ. Xuất phát từ quan hệ tài sản của vợ chồng còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã chú trọng thay đổi những quy định về phần này. Những quy định mới này đều dựa trên nền tảng của luật cũ, nhưng có sự phân định rõ ràng hơn, đồng thời bổ sung thêm những quy định mới phù hợp với thực tiễn .

Sự thay đổi rõ nhất đó là Luật đã quy định riêng biệt chế độ tài sản của vợ chồng là: tài sản theo luật định và tài sản theo thỏa thuận. Ngoài ra, luật dành hẳn một phần quy định những nguyên tắc chung trong việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng. Song song đó, ngoài những nguyên tắc chung cần tuân thủ, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc tài sản theo thỏa thuận trong suốt quá trình hôn nhân.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được quy định tại các điều từ 33 đến 46 và từ Điều 59 đến điều 64 của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Trong chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định có quy định: tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ chồng, ngoài ra còn có quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc thỏa thuận nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Lưu ý: tài sản của vợ chồng nếu không phải là tài sản riêng thì thường được xem là tài sản chung, nếu trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (tài sản riêng bao gồm tài sản mà họ có trước khi kết hôn, thừa kế riêng, tặng cho riêng, và tài sản riêng khác).

Nếu tài sản chung mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký thì phải ghi tên cả hai vợ chồng, nếu không ghi đầy đủ cả tên của vợ và chồng thì nếu có tranh chấp, bên nào cho rằng đó là tài sản riêng thì phải chứng minh.

Chế độ tài sản theo luật định quy định tài sản riêng khác của vợchồng còn là Quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ, tài sản mà vợ chồng xác lập quyền sỡ hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền, khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ chồng được nhận theo quy định pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản gắn liền với thân nhân của vợ chồng.

Lưu ý rằng nếu đó là tài sản riêng thì còn phải đảm bảo yếu tố chỗ ở cho người còn lại nếu có giao dịch về tài sản là nguồn sống, chỗ ở duy nhất của gia đình. “Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng” (Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình 2014)

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật hôn nhân gia đình 2014. Đây có thể xem là quy định hoàn toàn mới so với luật cũ. Nếu trong luật cũ chỉ quy định vợ chồng có quyền thỏa thuận tài sản riêng, thì với Luật mới chế định này được quy định rõ ràng hơn, cụ thể vợ chồng có thể xác lập tài sản riêng từ trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực. Chế độ tài sản riêng của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Từ hai chế định này dẫn đến nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau: (Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014): Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng.Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *