Kính gửi Diễn Đàn Luật;, sau đây tôi muốn quý công ty tư vấn giúp gia đình chúng tôi về việc sau. Vụ việc này tranh chấp đất đai của gia đình tôi.

Gia đình tôi nhận được giấy mời của UBND phường về việc gia đình tôi lấn chiếm ngõ của xóm và sử dụng máy công nghiệp gây tiếng ồn ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, hơn nữa ông A hàng xóm kế bên bảo gia đình tôi đi nhờ là không đúng sự thật. Về việc sử dụng ngõ đi chung, gia đình tôi cuối năm 2007 có xây dựng nhà ở và mở cổng để sử dụng đi lại từ đó, tất cả hành xóm không ai có ý kiến gì, tôi cùng các hộ gia đình trong xóm cùng góp tiền, công để xây dựng và cải tạo mặt đường ngõ đi chung. Gia đình tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 147m2 vuông). Gia đình tôi khẳng định toàn bộ phần xây dựng chỉ xây trong phần diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. Đến khoảng giữa tháng 8/2014 gia đình tôi có xây lại bức tường rào để bảo vệ kho lạnh, toàn bộ phần tường xây gia đình tôi xây trên nền móng cũ từ năm 2007. UBND Phường đã ra quyết định việc ông A tố cáo gia đình tôi cố tình xây dựng lấn chiếm gần 10m2 đất đường ngõ đi chung để sử dụng là có cơ sở. Thưa luật sư tôi không đồng ý với cách giải quyết này, trong quá trình giải quyết chúng tôi không còn có niềm tin vào cách giải quyết của UBND phường. Ngày 18/9/2015 gia đình tôi có mời Công ty TNHH một thành viên khảo sát và đo đạc Hà Nội về đo đạc, kiểm tra toàn bộ diện tích mà gia đình tôi hiện đang sử dụng thì được kết quả là toàn bộ phần diện tích đất chỉ còn 140.6m2. Như vậy phần diện tích đất nhà tôi được cấp đã bị hụt mất 6.4m2. Tiếp theo, gia đình tôi lại nhận được Thông báo số: 794/TB-UBND ngày 21/9/2015 của UBND phường về việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa công trình vi phạm trên đất công đối với gia đình tôi và thời gian để gia đình tự dỡ bỏ các công trình vi phạm xong trước 16 giờ ngày 26/9/2015. Trong nội dung thông báo còn ghi: "trong quá trình thực hiện cưỡng chế, mọi tài sản vật chất của các hộ gia đình có trong phạm vi cưỡng chế nếu bị thiệt hại, lực lượng cưỡng chế sẽ không chịu trách nhiệm, các gia đình miễn thắc mắc."

Kính thưa quý công ty, Cho tôi được hỏi như vậy thì UBND có làm sai quy định của pháp luật không ?. Nếu có gia đình tôi phải gửi đơn khiếu nại đến đâu vì gia đình tôi đã gửi đơn khiếu nại lên quận thì họ không nhận và nói để phường giải quyết. Gia đình tôi biết ông chủ tịch có nhận hối lộ của ông A người đã kiện gia đình tôi nhưng không có bằng chứng. Vậy nhà tôi có thể tố cáo ông chủ tịch về tội tham nhũng không ?Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn quý công ty.

Người gửi: L.K

Câu hỏi được biên tập từ bộ phận tư vấn luật đất đai  của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn pháp luật đất đai gọi: 

Trả lời:

 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Nptlawyer.com ;. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Căn cứ pháp lý:

– Luật đất đai 2013 

–  Bộ luật Hình sự năm 1999 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009

– Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

Nội dung phân tích: 

* Về việc hòa giải tranh chấp và xử lý của UBND phường.

Trước hết, gia đình bạn cần xin cấp trích lục thông tin, bản đồ, hồ sơ địa chính về khu đất của bạn. Bạn sẽ tiến hành nộp văn bản hoặc phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai địa phương theo quy định của thông tư 34/2014/TT-BTNMT. Trường hợp họ từ chối cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối. Sau khi đã có thông tin thửa đất của gia đình, được cấp chính quyền công nhận quyền sử dụng đất thế thì căn cứ nào dẫn đến việc gia đình bị hụt mất 6,4 m đất.

Theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013, khi hai bên không thể thỏa hiệp được sẽ yêu cầu giải quyết tranh chấp thông qua tổ hòa giải cấp cơ sở

– Nếu các bên không thể hòa giải được tại cơ sở thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để yêu cầu giải quyết. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

-> Như vậy vụ việc của gia đình khi được giải quyết cần có 1 biên bản hòa giải hành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã,phường. Với những thông tin bạn cung cấp xét thấy gia đình chưa đồng ý với cách giải quyết của UBND phường

Tại nghị định 43/2014/NĐ-CP: hướng dẫn luật đất đai

"Điều 88. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai:

2.Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

4.Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo."

– Vậy nếu như được cho là hòa giải không hành thì UBND xã không có thẩm quyền đưa ra quyết định cưỡng chế thực hiện mà phải hướng dẫn các bên giải quyết bằng cách gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

-Nếu đã gửi đơn tới Ủy ban nhân dân xã mà các bên không hòa giải được thì có hai phương án giải quyết : khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật đát đai 2013.

-Khởi kiện tại tòa án: tòa án chi giải quyết các tranh chấp đất đai mà đương sự đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có nhưng đang sử dụng đất ổn định được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013.

-Yêu cầu cơ quan hành chính giải quyết: theo quy định điểm a khoản 3 Điều 203  Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung giải quyết. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về hành vi nhận hối lộ:

Tội nhận hối lộ thuộc tội phạm về tham nhũng được khoản 1 điều 279 Bộ luật Hình sự năm 1999  (Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 ) quy định như sau:

“Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào  có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.”

Cấu thành tội phmaj này như sau:

Thứ nhất :Nếu nhận quà biếu thường xuyên, có hệ thống, tuy không có thỏa thuận giữa người tặng quà và người nhận quà, giá tri quà biếu lớn, người đưa quà biếu ngầm hiểu quà biếu ấy là của hối lộ thì coi là phạm tội nhận hối lộ.
Thứ hai: Đối với những công việc, những ngành có quy định cấm nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào, giá trị nào thì việc nhận quà biếu coi như nhận hối lộ.

Mặt chủ quan của tội nhận hối lộ được thể hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội thấy trước họ là người có chức vụ, việc nhận tiền của là do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận tiền của hối lộ là trái pháp luật, trái với quy định của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, người phạm tội đã mong muốn nhận được tiền của hối lộ.

Chủ thể của tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn. Chức vụ, quyền hạn ấy liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc của người đưa hối lộ. Trường hợp người có chức vụ nhưng chức vụ, quyền hạn của họ không  liên quan đến việc giải quyết  công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì không coi là tội nhận hối lộ mà phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

-> Do đó phải có đủ hành vi và có đủ căn cứ gia đình có thể tố cáo ông chủ tịch về tội danh trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật đất đai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *