Xin chào Luật sư! Thửa đất của em là đất ở nông thôn được Nhà nước giao năm 2004 có diện tích là 300 m2, chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong quá trình sử dụng, nhà em có lấn sang xung quanh là 170m2 nữa để trồng cây ăn quả. Đã sử dụng ổn định lâu dài đến ngày nay.

Vậy cho em hỏi, hiện giờ em muốn cấp giấy chứng nhận cho diện tích đất ở và đất trồng cây ăn quả cùng chung 1 thửa, tổng cộng là 470m2 thì có được không ạ ? Nếu được thì việc đăng kí này có khác gì với đăng ký lần đầu như bình thường không ạ? 

Em xin cảm ơn Luật sư. Mong có hồi âm sớm từ quý Luật sư.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai  công ty Nptlawyer.com ;

 >> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại:

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Nptlawyer.com ;. Chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

 

I. Cơ sở pháp lý

 Luật Đất đai 2013

 Nghị định 43/2014/NĐ_CP quy định chi tiết một số điều Luật Đất đai

II. Nội dung phân tích

Theo quy định tại khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013:

"Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật."

Luật Đất đai cũng quy định về các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu thực tế với số liệu trên giấy tờ tại Điều 98 Luật Đất đai 2013.

Khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai quy định:

"Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này."

Như vậy, để được cấp giấy chứng nhận đối với 470 m2 đất (tức là bao gồm đất ở và đất trồng cây ăn quả) thì điều kiện cần có là xác nhận của chính quyền địa phương về việc thực tế sử dụng đất và không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề.

Theo như thông tin mà bạn cung cấp, gia đình bạn vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, thủ tục đăng ký đối với diện tích đất này được thực hiện tương tự như theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Theo quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ_CP, trình tự, thủ tục đăng ký lần đầu được thực hiện như sau:

Người đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm: 

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

– Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai (nếu có);

– Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có).

 Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau:

– Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả theo quy định tại Khoản 2 Điều này;

– Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);

– Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;

– Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này thì gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Văn phòng đăng ký đất đai;

– Cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);

– Trường hợp người sử dụng đất đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ theo quy định của pháp luật; chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp, trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã thì gửi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp.

   Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc sau:

– Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Trường hợp thuê đất thì trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký quyết định cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

– Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Văn phòng đăng ký đất đai.

Điểm khác biệt duy nhất trong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất của hộ gia đình bạn với các trường hợp thông thường là bạn phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn sinh sống về việc diện tích đất tăng thêm được sử dụng trên thực tế và không có tranh chấp với các hộ sử dụng đất liền kề.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng  cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email lienhe@Nptlawyer.com.vn  hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến . Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng ./.

Bộ phận tư vấn luật đất đai.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *