Thưa luật sư, Cho tôi xin hỏi 2 việc sau đây: 1/ Em tôi cho cá nhân vay tiền và nhận thế chấp QSD đất, hợp đồng đã được công chứng. Khi đi đăng ký thế chấp thì bộ phận một của của UBND TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang không nhận hồ sơ

Họ nói rằng em tôi không có đăng ký kinh doanh nên không được đăng ký giao dịch bảo đảm và họ đưa ra một công văn của Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Châu Đốc ký, với nội dung thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Châu Đốc kiểm tra các đối tượng đăng ký và yêu cầu chấn chỉnh nếu cá nhân không có đăng ký kinh doanh mà cho đăng ký giao dịch bảo đảm là trái pháp luật. Tôi thấy lạ quá, vì trước đay em tôi cũng cho vay – đi công chứng – đi đăng ký thế chấp đề được hết. Cho tôi hỏi: làm thế nào để em tôi được đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất ?

2/Vừa qua em tôi cầm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng (công chứng ở TP.Hồ Chí Mnh) đến phuòng Châu Phú A, TP.Châu Đốc để yêu cầu chứng thực bản sao, ở đây họ nói phải quay về công chứng ở TP.HCM để xin cấp bản sao chứ phường không chứng thực bản sao được, em tôi làm giữ thì họ đưa ra công văn của Sở Tư pháp tỉnh An Giang không cho phường, xã trong tỉnh An Giang chứng thực bản sao văn bản công chứng. Tôi cũng thấy lạ, vì trước đây tôi cũng đi chứng thực bản sao có công chứng, xã, phường làm bình thường. Nếu em tôi phải quay về công chứng ở TP.HCM xin cấp bản sao hợp đồng thì tội quá. Đi xe lên xuống hết 300.000đ, ăn uống dọc đường hết 100.000đ, bỏ con cái không ai đưa rước đi học, bỏ công ăn việc làm hết 02 ngày. Tôi không biết các nơi khác như thế nào, chứ quy định như An Giang thì quả thật cấp trên phải xem xét lại cách làm việc của An Giang. Xin được các chuyên gia tư vấn ?

Thân chào.

Người gửi: TH

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật đất đai của Nptlawyer.com ;.

Tư vấn thủ tục quy trình đăng ký giao dịch đảm bảo:

Trả lời:

1.Cơ sở pháp lý

– Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

– Nghị định 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

– Nghị định 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch đảm bảo;

– Nghị định 05/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch đảm bảo, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật;

– Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

2.Nội dung trả lời

Thứ nhất về việc đăng ký giao dịch đảm bảo

Căn cứ khoản  2 Điều 3 Nghị định 163/2006 và khoản 1 Điều 1 Nghị định 11/2012:

"Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng quyền sử dụng đất của mình, dùng uy tín hoặc cam kết thực hiện công việc đối với bên nhận bảo đảm để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người khác, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.

Bên nhận bảo đảm là bên có quyền trong quan hệ dân sự mà việc thực hiện quyền đó được bảo đảm bằng một hoặc nhiều giao dịch bảo đảm, bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp và bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại trong trường hợp ký quỹ."

Căn cứ Điều 5 nghị định 83/2010/NĐ-CP:

" Người yêu cầu đăng ký là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc người được một trong các chủ thể này ủy quyền. Trong trường hợp thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó."

Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc đăng ký giao dịch đảm bảo không hạn chế cá nhân có thể là bên nhận đảm bảo, bên đảm bảo thực hiện việc đăng ký giao dịch đảm bảo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu bạn không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 83/2010/NĐ-CP thì việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo đưa ra lý do trên là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể:

" Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm từ chối đăng ký khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Không thuộc thẩm quyền đăng ký;

b) Hồ sơ đăng ký không hợp lệ;

c) Người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí đăng ký hoặc không thanh toán lệ phí đúng thời hạn;

d) Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

đ) Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký;

e) Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo."

Thứ hai về việc chứng thực bản sao từ bản chính

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP:

"2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 2 Điều này và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã."

Căn cứ Điều 11 Nghị định 79/2007/NĐ-CP:

"Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính

1. Có quyền yêu cầu bất kỳ cơ quan có thẩm quyền chứng thực nào quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Nghị định này thực hiện việc chứng thực, không phụ thuộc nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

2. Trong trường hợp bị từ chối chứng thực người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng thực giải thích rõ lý do, nếu không đồng ý với lý do đó thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính hợp pháp của các giấy tờ mà họ xuất trình khi yêu cầu chứng thực."

Như vậy việc Sở Tư pháp tỉnh An Giang đưa ra quy định mà bạn trình bày là không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu bạn không đồng ý với lý do mà Uỷ ban nhân dân phường  thì bạn có thể làm đơn khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại: 

Căn cứ Điều 28 Luật khiếu nại năm 2011:

"Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý."

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *