Thưa Luật sư, năm 1970 cha tôi cho bà B mượn 1 phần đất cất nhà ở (muợn không làm giấy tờ, quá trình kê khai đứng tên sổ bộ, đóng thuế, giấy chứng nhận đều mang tên cha tôi, đến năm 1995 con bà B dựng 01 quán nước nhỏ trên phần đất của cha tôi (sát nhà bà B), cha tôi khởi kiện ra tòa kết quả tòa xử buộc con bà B dở quán trả lại đất cho cha tôi.

Trong quyết định của Tòa cũng có nêu nguồn gốc phần đất bà B đang ở là mượn của cha tôi, tuy nhiên do nội dung đơn khởi kiện không yêu cầu đòi lại phần đất đã cho mượn nên tòa không đề cập đến, do đó gia đình bà B vẫn tiếp tục sinh sống trên phần đất mượn này.

Năm 2010 cha tôi chết tất cả phần đất của cha tôi được chuyển cho mẹ tôi đúng tên giấy đỏ (trong đó có cả phần đất cho mượn, năm 2014 bà B chết, con gái bà B tiếp tục ở trên phần đất này (nhà trên đất là nhà lá, cột kê), cho tôi hỏi với trường hợp nêu trên tôi có đòi lại được phần đất này không, nếu được (hoặc không) thì căn cứ nào để xử lý.

Trường hợp khởi kiện tại tòa thì mức án được tính như thế nào? (đất trên là đất cây lâu năm, diện tích 250m2) Trường hợp nếu thắng kiện thì tôi có phải trả chi phí di dời nhà cho con bà B không, nếu có thì chi phí này được tính như thế nào? Ngoài ra gia đình con bà B thuộc diện nghèo và không có đất khác để ở, nếu bị xử di dời nhà thì nhà nước có chánh sách nào hổ trợ nơi ở khác cho con bà B không?

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật dân sự của Nptlawyer.com ;.

L uật sư tư vấn dân sự gọi: 

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Nptlawyer.com ;. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Căn cứ pháp lý:

Luật đất đai năm 2013 

Bộ luật dân sự năm 2005

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011 

 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án 

Nội dung phân tích:

Thứ nhất, có đòi lại được đất cho mượn không?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cha bạn, nên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của cha bạn. Việc cho bà B mượn đất không làm thay đổi người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy bà B sử dụng đất ổn định lâu dài trong khoảng thời gian từ năm 1970 cho đến năm 2014 là 44 năm nhưng gia đình bà B không có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 Luật đất đai 2013, mà giấy tờ đó đứng tên cha bạn. Cho nên, quyền sử dụng mảnh đất đó vẫn thuộc về cha bạn.

Khi cha bạn mất mà không để lại di chúc thì di sản cha bạn để lại được chia theo pháp luật. Theo điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người có quyền hưởng di sản :

"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại."

Như vậy, cha bạn mất thì quyền sử dụng đất thuộc về bạn và mẹ bạn. Mẹ bạn là người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên bà hoàn toàn có quyền đòi lại mảnh đất mà con bà B đang ở. 

Nếu như con bà B không trả thì bạn hoặc mẹ bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản để yêu cầu giải quyết.

Thứ hai, án phí 

Theo Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP tại điều 17, khoản 1 có quy định như sau: " Đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch. Trường hợp ngoài tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ, đương sự còn có tranh chấp về bồi thường thiệt hại và yêu cầu Tòa án giải quyết, thì đương sự phải chịu án phí không có giá ngạch đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ và án phí có giá ngạch đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại."

Điều 130 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011, nguyên đơn có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

Thứ ba, nếu thắng kiện có phải chịu chi phí di dời nhà ở cho con bà B không?

Đây không phải trách nhiệm của người cho mượn tài sản nên bạn không cần phải bỏ ra khoản chi phí này. Vì theo điều 576 Bộ luật dân sự 2005 thì bên cho mượn chỉ có nghĩa vụ :

– Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có;

– Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thoả thuận;

– Bồi thường thiệt hại cho bên mượn, nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.

Thứ tư, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nhà bà B – hộ nghèo

Gia đình bà B hộ nghèo nên có thể được hưởng một số chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cụ thể tại điều 4 như sau:

"1. Mức hỗ trợ:

Ngân sách trung ương hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ dân thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.

2. Mức vay và phương thức cho vay:

a) Mức vay: hộ dân có nhu cầu, được vay tín dụng từ Ngân sách Chính sách Xã hội để làm nhà ở. Mức vay tối đa 08 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm. Thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay;

b) Phương thức cho vay: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị – xã hội hoặc trực tiếp cho vay. Đối với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội, việc quản lý vốn bằng tiền, ghi chép kế toán và tổ chức giải ngân đến người vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện."

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Rất mong sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *