Từ ngày 05/01/2020, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về việc Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ có hiệu lực pháp luật. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014.
NPTLAWYER sẽ điểm qua một vài quy định mới của Nghị định này.
Thứ nhất, tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp
Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất phi nông nghiệp gồm các loại đất sau đây:
- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
- Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
- Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
- Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;
Theo khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, nếu tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích tự ý chuyển, cụ thể như sau:
STT |
DIỆN TÍCH
(héc ta) |
KHU VỰC | |
NÔNG THÔN
(triệu đồng) |
ĐÔ THỊ (triệu đồng) |
||
1 | Dưới 0,01 | Từ 03 đến 05 |
Mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt đối với khu vực nông thôn. |
2 | Từ 0,01 đến dưới 0,02 | Từ 05 đến 10 | |
3 | Từ 0,02 đến dưới 0,05 | Từ 10 đến 15 | |
4 | Từ 0,05 đến dưới 0,1 | Từ 15 đến 30 | |
5 | Từ 0,1 đến dưới 0,5 | Từ 30 đến 50 | |
6 | Từ 0,5 đến dưới 01 | Từ 50 đến 80 | |
7 | Từ 01 đến dưới 03 | Từ 80 đến 120 | |
8 | Từ 03 héc ta trở lên | Từ 120 – 250 |
Ngoài việc phạt tiền nêu trên, người có hành vi vi phạm còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, theo đó phải khắc phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phậm.
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm (Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Thứ hai, mua bán đất không có giấy chứng nhận quyền sử đụng đất sẽ bị phạt nặng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì đối với việc mua bán đất mà không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai 2013, bao gồm:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
thì sẽ bị phạt tiền với mức cụ thể như sau:
HÀNH VI VI PHẠM |
KHU VỰC | |
NÔNG THÔN
(triệu đồng) |
ĐÔ THỊ (triệu đồng) |
|
Chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện. | Từ 03 đến 05 | Từ 05 đến 10 |
Chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ từ hai điều kiện trở lên. | Từ 05 đến 10 | Từ 10 đến 20 |
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm (Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Thứ ba, lấn, chiếm đất bị phạt lên tới 1 tỷ đồng
Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức thì bị xử phạt như sau:
STT | DIỆN TÍCH BỊ LẤN, CHIẾM
(héc ta) |
KHU VỰC | |
NÔNG THÔN
(triệu đồng) |
ĐÔ THỊ (triệu đồng) |
||
1 | Dưới 0,05 | Từ 10 – 20 | Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tương ứng tại khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 01 tỷ đồng đối với tổ chức. |
2 | Từ 0,05 đến dưới 0,1 | Từ 20 – 40 | |
3 | Từ 0,1 đến dưới 0,5 | Từ 40 – 100 | |
4 | Từ 0,5 đến dưới 01 | Từ 100 – 200 | |
5 | Từ 01 héc ta trở lên | Từ 200 – 500 |
Thứ tư, không đăng ký biến động đất đai khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất bị phạt lên tới 20 triệu đồng
Theo quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liề với đất phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Theo khoản 2, 3 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định thì bị phạt tiền như sau:
KHU VỰC |
THỜI GIAN |
|
NÔNG THÔN (triệu đồng) |
ĐÔ THỊ (triệu đồng) |
|
Từ 01 đến 03 | Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định với khu vực nông thôn. | Trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn. |
Từ 02 đến 05 | Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn. |
Ngoài việc phạt tiền nêu trên, người có hành vi vi phạm còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, theo đó buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm (Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Thứ năm, đất không sử dụng bị phạt tiền
Một quy định mới được thể hiện trong Nghị định 91/2019/NĐ-CP so với các quy định trước đây là hành vi không sử dụng đất.
Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường; hoặc do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh; hoặc do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh; hoặc các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định), thì bị xử phạt như sau:
STT |
MỨC PHẠT |
DIỆN TÍCH ĐẤT KHÔNG SỬ DỤNG |
1 | Phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng | Dưới 0,5 héc ta |
2 | Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng | Từ 0,5 đến dưới 03 héc ta. |
3 | Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng | Từ 03 đến dưới 10 héc ta. |
4 | Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng | Từ 10 héc ta trở lên. |
Ngoài việc phạt tiền nêu trên, người có hành vi vi phạm còn bị buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nuớc giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm (Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Thứ sáu, quy định rõ về hành vi hủy hoại đất
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, thì Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó có các hành vi cụ thể như sau:
1. Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp:
- Thay đổi độ dốc bề mặt đất;
- Hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề;
- San lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề.
Trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được UBND cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận.
2. Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp:
- Làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác;
- Làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng;
- Gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp.
3. Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người.
4. Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
5. Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
STT |
MỨC PHẠT
(triệu đồng) |
DIỆN TÍCH ĐẤT BỊ HỦY HOẠI |
1 | Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng | Dưới 0,05 héc ta |
2 | Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng | Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta. |
3 | Phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng | Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta. |
4 | Phạt tiền từ 30 – 60 triệu đồng | Từ 0,5 đến dưới 1 héc ta. |
5 | Phạt tiền từ 60 – 150 triệu đồng | Từ 1 héc ta trở lên |
Ngoài việc phạt tiền nêu trên, người có hành vi vi phạm bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai 2013.
Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm (Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Thứ bảy, Nghị định bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mới và cụ thể hơn
Trước đây, tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP không có điều khoản quy định riêng về các biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm mà quy định biện pháp khắc phục hậu quả riêng lẻ theo từng hành vi vi phạm. Theo đó, Nghị định 102/2014/Đ-CP chủ yếu quy định các biện pháp khắc phụ hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại diện tích đất đã nhận, …
Tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định riêng thành một điều khoản và được cụ thể hóa hơn, đồng thời có bổ sung thêm nhiều biện pháp mới, bao gồm:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;
- Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
- Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;
- Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;
- Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;
- Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;
- Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;
- Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;
- Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;
- Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai;
- Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp quy định tại Điều 24 của Nghị định này.
- Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Điều 35 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP;
- Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP;
- Thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp phải thu hồi đất quy định tại các Điều 15, 18, 19, 22, 26, 29, 30 và 32 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Nghị định 91-2019-NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 05/01/2020.
NPTLAWYER.