Kính chào Nptlawyer.com.vn, trường hợp của tôi là bị lừa đảo chiếm đoạt sổ đỏ để đi cầm cố. Nội dung vụ việc như sau: vào tháng 10/2013, Tôi có mua miếng đất, trên miếng đất đó có một ngôi nhà cấp 4.

Theo thỏa thuận, thì bên bán sẽ thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ cho tôi (chứng nhận quyền sử dụng đất), tất nhiên là chưa có tài sản gắn liền với đất, nếu muốn hợp thức hóa tài sản trên đất thì phải phải trả thêm phí để làm thủ tục giấy chứng nhận sở hữu nhà ở gắn liền với đất.Tôi vẫn đồng ý và chấp nhận, hai bên ra công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng. Đến khoảng tháng 01/2014, đúng như lời hứa bên bán có giao tôi cuốn sổ mang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Để tiếp tục hợp thức hóa tài sản trên đất tôi phải giao lại sổ đỏ để bên bán thực hiện tiếp. Tôi đồng ý và yêu cầu bên bán phải viết cho tôi tờ biên nhận có nhận sổ đỏ của tôi để ra sổ hồng và cũng trong tháng 01/2014 tôi giao sổ đỏ cho người bán để làm tiếp sổ hồng, bên bán cam kết trong vòng 05 tháng sẽ giao sổ cho tôi. Đến tháng 06/2014 tôi hỏi bên bán thì họ bảo là, hiện tại chưa làm xong, bảo tôi ráng đợi thêm khoảng thời gian nữa. Một tháng sau tôi hỏi lại thì bên bán bảo ở huyện hiện tại hết cấp sổ hồng rồi, và phải chờ tiếp, cũng trong thời gian này tôi cũng có dò hỏi thì cũng có thông tin là hiện tại huyện khu vực của tôi đang tạm ngưng cấp sổ hồng. Và cứ thế cách khoảng thời gian tôi vẫn hỏi thăm đã có sổ chưa, thì bên bán vẫn bảo là chưa có sổ, sự việc cứ kéo dài cho đến tháng 10/2015 tôi nhận được tin là bên bán đất đã vỡ nợ và có thông tin đã đem sổ đỏ (hoặc sổ hồng) của tôi đi cầm cố và tôi có liên lạc qua điện thoại thì không nghe máy và qua nhà họ đã ở thì đã mất tích (bỏ trốn). Tôi hỏi thăm ra mới biết không chỉ riêng mình tôi, mà có rất nhiều người xung qoanh bị họ lừa đảo (bán nhà chưa ra sổ, bán nhà bằng sổ giả, lừa sổ đỏ để đi cầm cố….) Hiện tại tôi đã làm đơn trình báo tới cơ quan công an (và cũng rất nhiều người làm đơn thưa kiện hoặc đơn trình báo ) ra Công an. Cái sai của tôi là quá tin tưởng và không lấy sổ của mình về khi có thông tin Huyện hết chế độ cấp sổ hồng. Qua đây, tôi muốn hỏi trường hợp trên của tôi thì có coi là bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không ? tôi có thể khởi kiện ra cơ quan chính quyền địa phương để lấy lại sổ hay không ? Tôi có bị mất đất, mất nhà không ? có bị người đang giữ sổ của tôi gây áp lực với tôi hay không? Tôi có thể làm đơn xin cấp lại sổ hay không và thủ tục như thế nào ? tôi phải đến cơ quan nào? Mong sớm nhận được sự hỗ  trợ của văn phòng Nptlawyer.com ; để giải đáp cho tôi. 

Tôi xin chân thành cảm ơn !

Người gửi: N.M.Đ

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật đất đai, Nptlawyer.com ;.

Tư vấn luật đất đai trực tuyến, gọi:

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Nptlawyer.com ;, căn cứ vào thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 ;

Luật đất đai năm 2013 ;

Bộ luật dân sự năm 2005 ;

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 ;

Nội dung:

1)

"Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Về khách quan, phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác.

Chủ thể là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này, nếu hành vi của bên kia  có đủ căn cứ để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì bạn có thể thực hiện việc khởi kiện với tội danh này.

2)

Bạn có quyền tố cáo và cung cấp chứng cứ (nếu có) với cơ quan công an để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

3)

Điều 128 BLDS 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Theo đó, giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Theo quy định tại điều 137 của BLDS 2005 thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là:

– Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

– Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy, hành vi lấy sổ đỏ của bạn đi cầm cố mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu (bạn) là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Luật Đất Đai 2013 điều 188 quy định: 1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Theo Thông tư số 33/2010/TT- BCA về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự điểm khoản 2 điểm i Dịch vụ cầm đồ

– Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.

– Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.

Như vậy, việc cửa hàng cầm đồ nhận cầm đồ đối với tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba mà không có giấy ủy quyền hợp lệ là vi phạm quy định pháp luật. Bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự giữa người lừa lấy sổ đỏ của bạn và người đang giữ sổ đỏ của bạn là giao dịch dân sự vô hiệu. Người lừa lấy sổ đỏ của bạn và bên nhận cầm đồ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

4)

Trong trường hợp này vì bị lừa lấy sổ đỏ nên có thể cem như sổ bị mất. Theo quy định luật đất đai 2013

 Người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận nộp một (01) bộ hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận;

b) Giấy tờ xác nhận việc mất Giấy chứng nhận của công an cấp xã nơi mất giấy;

c) Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất Giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn) đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; trường hợp hộ gia đình và cá nhân thì chỉ cần có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

Trên đây là ý kiến để cá nhân và tổ chức tham khảo, mọi thắc mắc liên hệ:

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT ĐẤT ĐAI.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *