Trong 2 năm qua, sau khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình với tổ chức này trong tất cả các lĩnh vực như thuế, phi thuế, sở hữu trí tuệ, dịch vụ… Sự nghiêm túc của Việt Nam được các thành viên WTO và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy ấn tượng trong 2 năm 2007 và 2008 vừa qua.

LỜI NÓI ĐẦU

Tuy nhiên, như ở nhiều thành viên mới gia nhập WTO khác, quá trình thực thi cam kết ở Việt Nam cũng đã gặp một số vướng mắc gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước hu quan. Những vướng mắc này chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực còn khá mới và hết sức phức tạp, không chỉ với nước ta mà còn với nhiều nước khác trên thế giới.

Sự phức tạp trong thực thi các cam kết dịch vụ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân không dễ nhận biết nếu dịch vụ hoặc đàm phán dịch vụ không phải là lĩnh vực chuyên môn của người có liên quan. Trong những nguyên nhân này, có nguyên nhân thuộc về cách định nghĩa và phân loại dịch vụ, có nguyên nhân thuộc về cách thức cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, nhưng cũng có những nguyên nhân bắt nguồn từ chiến thuật đàm phán của các nhà đàm phán, tức là không mấy liên quan tới bản chất và nội dung, khiến quá trình thực thi vốn đã phức tạp càng trở nên phức tạp và rắc rối hơn.

Sự phức tạp trong thực thi các cam kết dịch vụ đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư tại các địa phương. Nhiều doanh nghiệp, do chưa hiểu rõ nội dung của Biểu cam kết dịch vụ, đã bỏ công điều tra, chắp nối, xây dựng nghiên cứu tiền khả thi và nộp đơn xin thành lập các dự án đầu tư trong những ngành hoặc phân ngành dịch vụ mà Biểu cam kết dịch vụ không cho phép hoặc chỉ cho phép sau một thời gian chuyển đổi, dẫn đến việc hồ sơ xin phép bị cơ quan cấp phép từ chối và doanh nghiệp phải gánh chịu những mất mát to lớn về thời gian và chi phí. Ở chiều ngược lại, cũng do chưa nắm rõ nội dung của Biểu cam kết nên rải rác đã xuất hiện tình trạng cơ quan quản lý nhà nước từ chối các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư khiến nhà đầu tư phải khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan mà còn của cả Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết gia nhập WTO.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

Kể từ khi gia nhập WTO, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Bộ Kế hoạch Đầu tư và nhiều Bộ, ngành hữu quan đã nỗ lực phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giới thiệu các nội dung cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO. Nhiều tài liệu hỗ trợ, giải thích cam kết đã được xuất bản nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được sự trông đợi của các doanh nghiệp bởi mức độ giải thích chưa được sâu và chưa nêu được cặn kẽ ý nghĩa và bản chất của các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra trong khi đây lại là điều tối quan trọng đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư tại các địa phương.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công Thương, với sự trợ giúp của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn 3 (MUTRAP III) do Liên minh Châu Âu tài trợ, đã quyết định biên soạn và xuất bản cuốn sách “Cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO: Bình luận của người trong cuộc”. Như tên gọi đã chỉ ra, đây là cuốn sách do các chuyên viên đàm phán của Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành liên quan – những người đã trực tiếp tham gia đàm phán gia nhập WTO và xây dựng Biểu cam kết dịch vụ – biên soạn. Điểm đặc biệt của cuốn sách là bên cạnh các giải thích chuyên môn đầy đủ và sâu nhất từ trước tới nay, những người viết đã cố gắng đưa ra một số tình huống giả định để truyền tải rõ hơn nội dung của các cam kết tới các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý hữu quan, hy vọng từ đó sẽ góp phần xây dựng được cách hiểu và thực thi nhất quán cam kết trên thực tế.

Mặc dù có sự tham gia của người trong cuộc và tất cả đều đã rất cố gắng để bảo đảm diễn giải chính xác nội dung của các cam kết nhưng cuốn sách này, trong mọi trường hợp, không thể coi là giải thích chính thức của Bộ Công Thương hay của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào khác về nội dung của các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ. Như đã trình bày, cuốn sách chỉ đưa ra bình luận và giải thích của những người đã trực tiếp tham gia đàm phán, với hy vọng góp thêm một tiếng nói cho quá trình hướng dẫn thực thi cam kết chứ không thay thế cho các giải thích chính thức của các cơ quan Nhà nước.

Bộ Công Thương mong cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý và tất cả bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO. Để những lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn, Bộ Công Thương và những người tham gia biên soạn cuốn sách mong nhận được ý kiến góp ý, phê bình của các doanh nghiệp, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và toàn thể bạn đọc.

Bộ Công Thương xin chân thành cảm ơn các chuyên gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan khác về những đóng góp chuyên môn trong việc biên soạn cuốn sách này. Bộ Công Thương cũng xin cảm ơn Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn 3 (MUTRAP III) đã hỗ trợ kinh phí cho việc in ấn và xuất bản cuốn sách.

THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

TRƯỞNG ĐOÀN ĐÀM PHÁN CHÍNH PHỦ

NGUYỄN CẨM TÚ

GIẢI THÍCH CHUNG VỀ BIỂU CAM KẾT DỊCH VỤ

I. Kết cấu của Biểu cam kết dịch vụ

Đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ trong khuôn khổ WTO được tiến hành theo các nguyên tắc và quy định của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Kết quả đàm phán được các bên có liên quan ghi lại vào một biểu theo mẫu quy định của WTO, được gọi là Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ (trong tài liệu này, xin gọi tắt là Biểu cam kết dịch vụ hoặc Biểu cam kết).

Biểu cam kết dịch vụ gồm 3 phần: phần cam kết chung, phần cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc (miễn trừ MFN).

Phần cam kết chung bao gồm các cam kết áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ. Phần này chủ yếu đề cập tới các chính sách kinh tế – thương mại tổng quát như các quy định về chế độ đầu tư, hình thức thành lập doanh nghiệp, chính sách đất đai, các biện pháp về thuế, trợ cấp v.v… Do đây là các biện pháp ảnh hưởng đồng loạt tới tất cả các ngành nên WTO gọi là "cam kết nền" (horizontal commitments). Cụm từ này tương đối xa lạ với người Việt nên khi chuyển sang tiếng Việt, các cơ quan đã thống nhất sử dụng cụm từ "cam kết chung" (general commitments) cho dễ hiểu hơn.

Một biện pháp, nếu đã được bảo lưu trong phần cam kết chung thì về nguyên tắc không cần phải xuất hiện lại trong phần cam kết cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, thỉnh thoảng ta vẫn thấy một số biện pháp xuất hiện cả trong phần cam kết chung và phần cam kết cụ thể (thí dụ như tỷ lệ vốn tối đa mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam). Sở dĩ có hiện tượng đó là do các nhà đàm phán muốn khẳng định thêm "sức nặng" của biện pháp bảo lưu mà thôi, không liên quan đến kỹ thuật cam kết dịch vụ của WTO.

Phần cam kết cụ thể bao gồm các cam kết áp dụng cho từng dịch vụ đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Với mỗi dịch vụ được liệt kê, đều có cam kết cụ thể đi kèm, chẳng hạn như các cam kết về dịch vụ viễn thông, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng hoặc dịch vụ vận tải. Nội dung cam kết thể hiện mức độ mở cửa thị trường đối với từng dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc liệt kê các biện pháp tuy vi phạm nguyên tắc MFN của WTO nhưng được các thành viên WTO, thông qua

đàm phán, cho phép duy trì. Nguyên tắc MFN là nguyên tắc quan trọng bậc nhất của WTO, theo đó, các thành viên không được phân biệt đối xử giữa dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của thành viên này với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của thành viên khác. Tuy nhiên, GATS cho phép một thành viên được vi phạm nguyên tắc MFN nếu thành viên này đưa biện pháp vi phạm vào danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc và được các thành viên khác chấp thuận.

Tên đầy đủ của danh mục là Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc. Tuy nhiên, các nhà đàm phán có thể dùng nhiều từ khác nhau để chỉ danh mục này, thí dụ "danh mục loại trừ MFN", "danh mục miễn trừ MFN" hay đơn giản hơn nữa là "ngoại lệ MFN".

Một điều cần lưu ý là ngoài Biểu cam kết dịch vụ, Việt Nam còn đưa ra một số cam kết có liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ tại Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (Các chính sách ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ, đoạn 472-508). Vì vậy, để có được bức tranh đầy đủ về cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, ngoài Biểu cam kết, cần tham khảo thêm cả Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO

II. Phương thức trình bày Biểu cam kết dịch vụ

Biểu cam kết dịch vụ gồm 4 cột: i) cột mô tả ngành/phân ngành; ii) cột liệt kê các biện pháp về tiếp cận thị trường; iii) cột liệt kê các biện pháp về đối xử quốc gia và iv) cột liệt kê các cam kết bổ sung.

Ct mô tả ngành/phân ngành thể hiện tên và mã số của dịch vụ cụ thể được đưa vào cam kết.

Theo phân loại của WTO (tài liệu MTN.GNS/W/120), lĩnh vực dịch vụ được chia thành 11 ngành chính (sector), mỗi ngành chính lại phân tiếp thành nhiều ngành nhỏ hơn được gọi là phân ngành (sub-sector), tổng cộng bao gồm 155 phân ngành. Do tài liệu của W/120 của WTO chỉ liệt kê tên ngành/phân ngành, không giải thích nội dung cụ thể nên để thống nhất cách hiểu cho từng ngành/phân ngành, người ta phải viện dẫn đến Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (Provisional Central Product Classification – PCPC) của Liên hợp quốc. Vì vậy, mỗi ngành/phân ngành dịch vụ đưa vào Biểu cam kết đều có một mã số PCPC mà trong đàm phán, để thuận tiện, người ta thường ghi ngắn gọn là CPC. Việc ghi ngắn gọn như vậy đôi khi đã gây lầm lẫn giữa 2 tài liệu PCPC (được sử dụng để đàm phán) và CPC (được sử dụng cho mục đích thống kê), đều do Liên hợp quốc ban hành.

Vì vậy, trong khuôn khổ đàm phán dịch vụ tại WTO, ký hiệu CPC phải được hiểu

đầy đủ là PCPC.

Giả sử một thành viên muốn đưa ra bản chào hoặc cam kết đối với ngành bảo hiểm nhân thọ. Trong tài liệu W/120 của WTO, dịch vụ này thuộc phần có tiêu đề "dịch vụ bảo hiểm", thuộc ngành "dịch vụ tài chính". Thông qua tham chiếu đến PCPC, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ có mã số PCPC tương ứng là 8129. Vì vậy, trong bản chào hoặc biểu cam kết của mình, thành viên có liên quan sẽ ghi tại cột mô tả ngành dòng chữ "dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (CPC 8129)".

Ct hạn chế tiếp cận thị trường liệt kê các biện pháp hạn chế mà thành viên đưa ra cam kết muốn áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. GATS quy định

6 loại biện pháp hạn chế bao gồm: 1) hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; 2) hạn chế về tổng giá trị của các giao dịch hoặc tài sản; 3) hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; 4) hạn chế về số lượng lao động; 5)

hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp; và 6) hạn chế vốn góp của nước ngoài. Biểu cam kết nào liệt kê càng nhiều biện pháp hạn chế thì mức độ mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài càng chặt chẽ.

Ct hạn chế đối xử quốc gia liệt kê các biện pháp mà thành viên đưa ra cam kết muốn duy trì để phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Biểu cam kết nào liệt kê càng nhiều biện pháp trong cột này thì sự phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài càng lớn.

Ct cam kết bổ sung liệt kê các biện pháp ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp và tiêu dùng dịch vụ nhưng không thuộc về hạn chế tiếp cận thị trường hay hạn chế về đối xử quốc gia. Thí dụ, cột này có thể đưa ra các quy định liên quan đến trình độ, tiêu chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu về thủ tục cấp phép v.v… Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thống nhất mục đích sử dụng của cột này, các thành viên WTO vẫn sử dụng cột này khá tùy tiện.

III. Phương pháp tiếp cận “chọn – bỏ” và “chọn – cho”

Phương pháp tiếp cận “chọn – bỏ” (negative) là cam kết theo dạng "được làm tất cả những gì không bị hạn chế". Phương pháp tiếp cận “chọn – cho” (positive) là cam kết theo dạng "chỉ được làm những gì được phép làm".

WTO sử dụng phương pháp chọn – cho khi xác định phạm vi cam kết, tức là các ngành/phân ngành dịch vụ được đưa vào Biểu cam kết dịch vụ. Theo đó, bên đưa

ra cam kết chỉ cam kết mở cửa thị trường cho các dịch vụ xuất hiện trong Biểu. Với những dịch vụ không xuất hiện trong Biểu, bên cam kết không có nghĩa vụ nào cả. Ví dụ, trong trường hợp của Việt Nam, những dịch vụ như quản lý bất động sản, in ấn, xuất bản… không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không cam kết gì cho những ngành này, ngoại trừ nghĩa vụ áp dụng các quy tắc chung của GATS.

Phương pháp tiếp cận chọn – cho này đã gây ra nhiều phiền toái cho việc giải thích và thực thi cam kết. Do các ngành/phân ngành không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam phần lớn đều là những ngành nhạy cảm (như phát thanh, truyền hình, in ấn, xuất bản, phân phối xăng dầu, phân phối dược phẩm) nên một số người đã hiểu nhầm rằng "không xuất hiện trong Biểu cam kết có nghĩa là bị cấm và vì vậy, không được cấp phép đầu tư". Thực ra thì không phải vậy. Việc một dịch vụ nào đó không xuất hiện trong Biểu cam kết chỉ mang một ý nghĩa duy nhất là Việt Nam không đưa ra cam kết gì cho dịch vụ đó mà thôi. Do không đưa ra cam kết nên Việt Nam sẽ không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào đối với dịch vụ này, ngoài các nguyên tắc chung của GATS (như đối xử tối huệ quốc, minh bạch hóa v..v). Tóm lại, với các dịch vụ không xuất hiện trong Biểu cam kết, Việt Nam được toàn quyền cho hay không cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tiếp cận thị trường nước mình và trong trường hợp cho, được toàn quyền đưa ra các điều kiện cho việc cấp phép, miễn là tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS.

Giữa khái niệm "toàn quyền" và "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS" có một ranh giới rất mờ mà các nhà quản lý phải chú ý đặc biệt. Lấy dịch vụ xuất bản làm ví dụ. Do không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ nên Việt Nam có "toàn quyền" trong việc đóng cửa thị trường này đối với các nhà xuất bản nước ngoài. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đồng ý cấp phép cho một nhà xuất bản nước ngoài nào đó thì ngay lập tức, việc "tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của GATS" sẽ được áp dụng. Do một trong những nguyên tắc cơ bản của GATS là MFN (không phân biệt đối xử giữa các thành viên) nên Việt Nam sẽ phải cấp phép cho cả các nhà xuất bản nước ngoài khác nếu được yêu cầu.

Để xử lý nhất quán các vấn đề mà phương pháp tiếp cận chọn – cho tạo ra, cách tốt nhất là rà soát lại tất cả các ngành/phân ngành không xuất hiện trong Biểu cam kết dịch vụ và phân chúng vào các danh mục như (i) không cho phép đầu tư nước ngoài; (ii) cho phép có điều kiện và (iii) cho phép không điều kiện. Ví dụ, những ngành nhạy cảm cao như phát thanh, truyền hình, xuất bản… có thể đưa vào danh mục "không cho phép đầu tư nước ngoài"; những ngành nhạy cảm vừa phải như in ấn, phân phối dược phẩm… có thể đưa vào danh mục "cho phép có điều kiện" (ví dụ như chỉ cho phép hình thức liên doanh với tỷ lệ vốn góp của nước ngoài không

vượt quá 49%); những ngành không nhạy cảm lắm như quản lý bất động sản, kinh doanh bất động sản.. có thể đưa vào danh mục "cho phép không điều kiện" để các tỉnh, thành có thể cấp phép theo nhu cầu. Việc có được các danh mục rõ ràng như vậy sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các cơ quan quản lý, cấp phép đầu tư ở các địa phương và các doanh nghiệp.

Phương pháp chọn – bỏ được sử dụng khi đưa ra cam kết đối với các dịch vụ được đưa vào Biểu. Theo đó, bên cam kết sẽ liệt kê toàn bộ các biện pháp hạn chế mà bên đó muốn áp dụng cho dịch vụ có liên quan. Ngoài các biện pháp này, sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào khác trong số 6 biện pháp mà GATS liệt kê.

Nguyên tắc là như vậy nhưng một vài thành viên WTO, khi đi vào từng ngành cụ thể, thỉnh thoảng vẫn áp dụng phương pháp chọn – cho. Vì vậy, hai cụm từ "không hạn chế, ngoại trừ" và "chưa cam kết, ngoại trừ" thường được đưa thêm vào Biểu cam kết để khẳng định phương pháp tiếp cận tại một phương thức cung cấp dịch vụ nào đó là chọn – bỏ hay chọn – cho.

IV. Các phương thức cung cấp dịch vụ

Để tiện cho đàm phán, GATS thống nhất quy định 4 phương thức cung cấp dịch vụ, bao gồm:

• Phương thức 1 (Mode 1): Cung cấp qua biên giới

• Phương thức 2 (Mode 2): Tiêu dùng ngoài lãnh thổ

• Phương thức 3 (Mode 3): Hiện diện thương mại, và

• Phương thức 4 (Mode 4): Hiện diện thể nhân.

Phương thức cung cấp qua biên giới (gọi tắt là Phương thức 1 hay Mode 1) là phương thức mà theo đó, dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác, ví dụ như giáo dục từ xa qua mạng Internet. Theo phương thức này, cả người cung cấp dịch vụ lẫn người tiêu dùng dịch vụ đều không di chuyển ra khỏi lãnh thổ nước mình. Dịch vụ được cung cấp và tiêu thụ "qua biên giới".

Phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (gọi tắt là Phương thức 2 hay Mode 2) là phương thức mà theo đó, người tiêu dùng của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ, ví dụ như khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam tham quan và mua sắm.

Phương thức hiện diện thương mại (gọi tắt là Phương thức 3 hay Mode 3) là phương thức mà theo đó, nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh v.v…trên lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ, ví dụ như Ngân hàng HSBC thành lập ngân hàng con 100% vốn HSBC tại Việt Nam để kinh doanh.

Phương thức hiện diện thể nhân (gọi tắt là Phương thức 4 hay Mode 4) là phương thức theo đó thể nhân cung cấp dịch vụ của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để cung cấp dịch vụ, ví dụ như các nhà quản lý cấp cao, các nghệ sĩ nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn nghệ thuật v..v.

Trong 2 cột Tiếp cận thị trường và Đối xử quốc gia của Biểu cam kết dịch vụ, ta thấy xuất hiện lần lượt các chữ số 1, 2, 3, 4 trước các lời văn cam kết. Đó chính là cách viết tắt của các phương thức 1, 2, 3 và 4 như đã trình bày trên. Vì vậy, khi thấy đề "(1) Không hạn chế" thì phải hiểu đầy đủ là "Phương thức 1: Không hạn chế", tức là không áp dụng bất kỳ hạn chế nào trong số các hạn chế mà GATS đã liệt kê đối với phương thức cung ứng dịch vụ qua biên giới.

V. Mức độ cam kết

Biểu cam kết dịch vụ là tài liệu mang tính ràng buộc pháp lý nên việc có hay không có các hạn chế về tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia phải được thể hiện hết sức chính xác và thống nhất. Phụ thuộc vào mức độ hạn chế mà mỗi thành viên có thể đưa ra, thường có 3 trường hợp sau:

1. Mở cửa toàn bộ (cam kết toàn bộ)

Mở cửa toàn bộ (hay cam kết toàn bộ) có nghĩa là không áp dụng bất cứ hạn chế nào về tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều dịch vụ hay đối với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, thành viên có liên quan sẽ thể hiện trong Biểu cam kết của mình dòng chữ “Không hạn chế” (None) vào các cột hoặc các phương thức thích hợp. Tuy nhiên, các biện pháp liệt kê trong phần cam kết chung vẫn được áp dụng.

Có một điểm cần lưu ý là cam kết "không hạn chế" trong cột tiếp cận thị trường chỉ có ý nghĩa với 6 biện pháp mà GATS liệt kê. Các biện pháp mang tính hạn chế tiếp cận thị trường nhưng không nằm trong 6 biện pháp mà GATS liệt kê có thể vẫn được áp dụng nếu không vi phạm các cam kết khác hoặc các nguyên tắc cơ bản khác của GATS.

Ví dụ, tại dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, một thành viên ghi dòng chữ "Không hạn chế" vào Phương thức 3 của cả hai cột tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia. Điều đó có nghĩa là thành viên đó sẽ không áp dụng bất kỳ hạn chế nào trong số 6 hạn chế mà GATS đã liệt kê đối với hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và khi đã hiện diện trên lãnh thổ của thành viên, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ được hưởng sự đối xử bình đẳng như các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, thành viên có liên quan vẫn có quyền quy định mức vốn pháp định cho hiện diện thương mại, thí dụ như phải có 100 triệu USD mới được thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Quy định này không bị coi là vi phạm cam kết nếu nó cũng được áp dụng cho các công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước (tuân thủ cam kết về đối xử quốc gia) và cho tất cả các công ty bảo hiểm đến từ bên ngoài (tuân thủ nguyên tắc tối huệ quốc).

2. Mở cửa kèm theo các hạn chế (cam kết một phần)

Cam kết một phần xảy ra khi thành viên có liên quan chấp nhận đưa một ngành/phân ngành dịch vụ nào đó hay một phương thức cung cấp dịch vụ nào đó vào Biểu cam kết nhưng lại liệt kê (tại các vị trí thích hợp) các biện pháp hạn chế nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Khi đó, thành viên thường thể hiện trong Biểu cam kết của mình dòng chữ “Không hạn chế, ngoại trừ..” (None, except…) hoặc “Chưa cam kết, ngoại trừ..” (Unbound, except…).

Ví dụ, tại Phương thức 2, cột tiếp cận thị trường của dịch vụ giáo dục, một thành viên ghi "Không hạn chế, trừ giáo dục tiểu học và trung học". Ghi như vậy có nghĩa là thành viên đó sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế công dân của mình ra nước ngoài để tiếp nhận giáo dục đại học và các loại hình giáo dục khác dành cho người lớn. Cam kết như thế được coi là "cam kết một phần" bởi thành viên vẫn có quyền duy trì các hạn chế đối với việc ra nước ngoài để theo học tiểu học và trung học.

Một ví dụ khác, tại Phương thức 1, cột tiếp cận thị trường, dịch vụ phân phối, một thành viên ghi "Chưa cam kết, ngoại trừ bán phần mềm máy tính qua mạng". Ghi như vậy có nghĩa là thành viên sẽ không áp dụng bất kỳ hạn chế nào, kể cả hạn chế về thanh toán, đối với việc mua bán phần mềm máy tính qua mạng. Đối với các sản phẩm khác, thành viên vẫn duy trì quyền đưa ra các hạn chế nếu cần thiết bởi đã ghi rõ là "Chưa cam kết". Đây cũng là ví dụ cho thấy khi đi vào từng ngành cụ thể, các bên liên quan vẫn có thể sử dụng phương pháp tiếp cận chọn – cho dù theo nguyên tắc chung, phương pháp tiếp cận chọn – bỏ phải được áp dụng.

Mở cửa một phần còn xảy ra khi một nhánh nhỏ của ngành hoặc phân ngành bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi phạm vi cam kết. Ví dụ, tại cột mô tả ngành, một thành viên ghi "Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (CPC 8129), ngoại trừ bảo hiểm hưu trí". Trong trường hợp này, thành viên không đưa ra cam kết gì cho bảo hiểm hưu trí, một phân nhánh của ngành bảo hiểm nhân thọ. Tương tự, trong ngành dịch vụ phân phối, một thành viên có thể ghi rõ tại phần tiêu đề (chapeau) rằng "các cam kết dưới đây không áp dụng cho hoạt động phân phối thuốc lá, xăng dầu, dược phẩm và đường". Trong trường hợp này, thành viên có quyền duy trì mọi hạn chế đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong việc phân phối thuốc lá, xăng dầu, dược phẩm và đường.

3. Chưa cam kết (Unbound)

Nếu muốn duy trì khả năng đưa ra các biện pháp hạn chế về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với một hoặc nhiều dịch vụ (hay với một hoặc nhiều phương thức cung cấp dịch vụ), thành viên có thể ghi dòng chữ "Chưa cam kết" (Unbound) vào các vị trí thích hợp trong Biểu cam kết, thường là vào các Phương thức cung cấp dịch vụ tại 2 cột tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.

Trong một số trường hợp, một phương thức cung cấp dịch vụ có thể là không khả thi về mặt kỹ thuật. Ví dụ như cung cấp dịch vụ xây dựng qua biên giới. Khi đó, thành viên có thể ghi “Chưa cam kết do không khả thi về mặt kỹ thuật".

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CÔNG THƯƠNG

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————————

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *