Chào Quý luật sư, Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp về việc tranh chấp đất đai, nhà ở. Theo như tôi được biết luật pháp quy định rằng: "khi cha mẹ mất thì tài sản đất đai sẽ được chia đều cho các con".

Ngoại tôi có 5 người con, trong đó có 2 người con đã được chia đất để xây nhà đã lâu & hiện tại đã có chủ quyền nhà. Còn căn nhà của Ngoại tôi nay đã được sửa lại thành 2 căn & cho 2 người con còn lại ở, cả 2 căn này vẫn chưa có chủ quyền nhà. Mẹ tôi là con gái nên theo chồng ra riêng nên không ở cùng ngoại tôi và mẹ tôi cũng tách hộ khẩu ra riêng.

Ngoại tôi tuổi đã cao, lại không biết chữ…., giấy tờ nhà do cậu tôi ( người cậu đã được chia 1 căn nhà & đã có chủ quyền từ trước) giữ hết. Tôi cũng không biết khi nào các cậu của tôi sẽ tự ý hợp thức hóa làm chủ quyền nhà đứng tên mình & tự ý mang nhà đi bán khi ngoại tôi mất. Mặt dù tài sản đó là tài sản của ngoại tôi. Nhưng ai cũng nói là nhà của mình & không có ý định chia phần đất nào cho mẹ tôi cả.

Tôi rất mong luật sư tư vấn giúp tôi, phải làm thế nào để mẹ tôi cũng được hưởng quyền lợi của 1 người con theo pháp luật quy định. Ngoại tôi lại già yếu & không có tiếng nói gì trong gia đình. Các cậu của tôi thì mặc nhiên chia đất đai, nhà cửa & dành phần của mình mặc dù hiện giờ tài sản này ngoại tôi vẫn đứng tên.

Tôi chân thành cảm ơn quý luật sư rất nhiều!

Người hỏi: Xuan Le

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật  của Nptlawyer.com ;

 

Trả lời:

Nptlawyer.com ; đã nhận được câu hỏi của bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến công ty. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự 2005

Theo quy định của pháp luật, việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo một trong hai hình thức: chia thừa kế theo di chúc nếu người chết có lập di chúc, chia thừa kế theo pháp luật nếu không có di chúc.

Điều 646 BLDS 2005 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác”

Điều 656. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

“Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”

Như vậy, bà ngoại của bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, mẹ bạn muốn được hưởng di sản thừa kế thì phải có tên trong danh sách những người được hưởng di sản của di chúc. Do bà bạn không biết chữ, không thể tự mình lập di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng và bà bạn phải điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng. Tuy nhiên, để di chúc hợp pháp thì cần tuân thủ quy định tại khoản 1 và 3 Điều 652 BLDS 2005:

“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”.

Trong trường hợp, bà bạn không để lại di chúc thì căn nhà của bà ngoại bạn đang đứng tên sẽ được chia theo theo pháp luật.

Hàng thừa kế theo pháp luật theo điều 676 BLDS 2005:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Điều 632. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

“Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”

Theo đó, trong trường hợp này, mẹ bạn và các cậu của bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất và di sản thừa kế sẽ được chia đều cho họ mà không có sự phân biệt nào.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *